Các diễn biến Cuộc_nổi_dậy_8888

Từ ngày 1 đến 7 tháng 8

Cờ của Đảng Kế hoạch Xã hội chủ nghĩa Miến Điện, chính đảng hợp pháp duy nhất cai trị đất nước này trong giai đoạn 1962-1988.

Các cuộc biểu tình của sinh viên lên đến cao trào vào tháng 8 năm 1988. Sinh viên lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày 8 tháng 8 năm 1988, một ngày may mắn dựa vào ý nghĩa của các con số.[32] Tin tức về các cuộc biểu tình đến được các vùng nông thôn và bốn ngày trước khi cuộc biểu tình toàn quốc, sinh viên trên cả nước đã lên án chế độ Sein Lwin và quân đội được huy động.[32] Tờ rơi và áp phích xuất hiện trên đường phố Rangoon mang hình con công trong tư thế chiến đấu, biểu tượng của Liên Đoàn Sinh viên toàn Miến Điện.[33] Các ủy ban khu phố và đình công được công khai thành lập theo lời khuyên của các nhà hoạt động ngầm, nhiều người trong số này chịu ảnh hưởng từ các phong trào ngầm tương tự của công nhân và các hòa thượng trong những năm 1980 [33] Từ 2 đến 10 tháng 8, các cuộc biểu tình phối hợp diễn ra ở hầu hết các đô thị tại Miến Điện[34]

Trong thời gian này, báo chí bất đồng chính kiến được tự do xuất bản, băng rôn hình con công được giăng, các cuộc tuần hành đồng bộ được tổ chức và những người tổ chức tuần hành được bảo vệ[33] Tại Rangoon, các dấu hiệu đầu tiên của phong trào bắt đầu vào khoảng rằm tháng Waso theo lịch Miến tại chùa Shwedagon khi các biểu tình viên sinh viên xuất hiện để yêu cầu ủng hộ cho các cuộc tuần hành.[35] Các ủy ban khu phố và đình công chốt chặn và bảo vệ các khu phố và huy động thêm các cuộc tuần hành.[33] Tại một số khu vực, các ủy ban được thiết lập sân khấu tạm thời để các nhà diễn thuyết phát biểu trước đám đông và gây quỹ ủng hộ các cuộc tập hợp.[36]

Lá cờ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ với hình một con công chiến đấu đã trở thành một biểu tượng của các cuộc biểu tình trên các đường phố của Miến Điện.

Trong vài ngày đầu tiên của các cuộc biểu tình Rangoon, các nhà hoạt động liên lạc với luật sư và các hòa thượng ở Mandalay[37] để vận động họ tham gia vào các cuộc biểu tình. [36] Nhân dân Miến Điện từ tất cả các tầng lớp xã hội nhanh chóng tham gia cùng các sinh viên, bao gồm cả nhân viên chính phủ, các hòa thượng, quân nhân không quân và hải quân, công chức hải quan, giáo viên và nhân viên bệnh viện. Các cuộc tuần hành trên đường phố Rangoon trở thành một tâm điểm cho các cuộc biểu tình, và truyền bá đến các thủ phủ bang.[38] Có 10.000 người tuần hành bên ngoài chùa Sule ở Rangoon, tại đây họ đốt và chôn hình nộm của Ne Win và Sein Lwin trong quan tài được trang trí với các tiền giấy bị thu hồi[17] Có thêm các cuộc tuần hành diễn ra trên khắp đất nước tại các sân vận động và bệnh viện.[39] Các hòa thượng tại chùa Sule mô tả rằng tượng Phật biến đổi hình thù và xuất hiện hình ảnh thiên đường trên đầu Đức Phật.[17] Ngày 3 tháng 8, chính quyền áp đặt thiết quân luật 08:00 sáng-04:00 chiều và cấm chỉ các cuộc tụ họp của hơn năm người.[39]

Từ 8 đến 12 tháng 8

Theo kế hoạch, một cuộc tổng đình công theo kế hoạch bắt đầu vào ngày 8 tháng 8 năm 1988. Các cuộc tuần hành quy mô lớn được tổ chức trên khắp Miến Điện với sự tham gia của các dân tộc thiểu số, tín đồ Phật giáo, Hồi giáo, sinh viên, công nhân, người già lẫn trẻ.[17] Cuộc diễu hành đầu tiên vòng quanh Rangoon, dừng lại để nhân dân nghe diễn thuyết. Một sân khấu cũng được dựng lên.[36] Người biểu tình từ các khu dân cư Rangoon cũng tụ tập ở trung tâm thành phố. Chỉ có một thương vong được ghi nhận tại thời điểm này khi một cảnh sát giao thông hoảng sợ đã bắn vào đám đông và chạy trốn.[36] (Các cuộc tuần hành như vậy xảy ra hàng ngày cho đến 19 tháng 9.)[36] Những người biểu tình hôn giầy của những người lính để thuyết phục họ tham gia các cuộc biểu tình dân sự, trong khi một số người bao quanh sĩ quan quân đội để bảo vệ họ khỏi đám đông và tránh các vụ bạo lực diễn ra như trước đó[40][41]. Trong bốn ngày tiếp các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục; Chính phủ ngạc nhiên trước quy mô của các cuộc biểu tình và hứa sẽ chú ý đến các yêu sách của những người biểu tình trong "chừng mực có thể".[39] Sein Lwin cho đưa thêm binh sĩ từ các khu vực nổi dậy đi đối phó với những người biểu tình.[17][42]

Tại khu vực Mandalay, có một ủy ban đình công tổ chức bài bản hơn do các luật sư lãnh đạo, và tiến hành thảo luận tập trung về nền dân chủ đa đảng và nhân quyền. Nhiều người tham gia vào cuộc biểu tình đến từ các thị trấn và làng lân cận.[43] Những người nông dân đặc biệt tức giận với chính sách kinh tế của chính phủ đã tham gia các cuộc biểu tình ở Rangoon. Đặc biệt có làng, 2.000 trong 5.000 người cũng đình công.[43]

Một thời gian ngắn sau đó, nhà chức trách khai hỏa vào những người biểu tình.[8][17] Ne Win ra lệnh rằng "súng không bắn lên trên," nghĩa là lệnh cho quân đội bắn thẳng vào những người tuần hành.[38] Những người biểu tình phản ứng bằng cách ném bom xăng, kiếm, dao, đá, phi tiêu độc và nan hoa xe đạp.[17] Trong một sự cố, người biểu tình đốt cháy một đồn cảnh sát và giết chết bốn nhân viên bỏ chạy.[41] Ngày 10 tháng 8, các binh sĩ bắn vào Bệnh viện Đa khoa Rangoon, giết chết các y tá và bác sĩ đang chăm sóc cho người bị thương.[44] Đài phát thanh Rangoon của nhà nước tường trình rằng 1.451 "kẻ cướp và làm loạn" đã bị bắt.[23]

Ước tính số thương vong xung quanh cuộc biểu tình 8888 là từ hàng trăm đến 10.000 người;[8][11][12] tuy nhiên chính quyền quân sự đưa các con số vào khoảng 95 người thiệt mạng và 240 người bị thương.[45]

Từ 13 đến 31 tháng 8

Sein Lwin đột ngột từ chức mà không có giải thích vào ngày 12 tháng 8, điều này làm nhiều người biểu tình vui mừng và bối rối. Lực lượng an ninh hành sự thận trọng hơn với người biểu tình, đặc biệt là trong các khu phố do người biểu tình hoàn toàn kiểm soát.[41] Ngày 19 tháng 8, dưới áp lực phải thành lập chính phủ dân sự, người viết tiểu sử cho Ne Win là Maung Maung được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ.[46] Maung Maung là một học giả pháp luật và là nhân vật phi quân sự duy nhất phục vụ trong Đảng Kế hoạch Xã hội chủ nghĩa Miến Điện.[32] Việc bổ nhiệm Maung Maunggiúp giảm vụ nổ súng và các cuộc biểu tình trong một thời gian ngắn.

Các cuộc tuần hành trên toàn quốc tiếp tục vào ngày 22 tháng 8 năm năm 1988. Ở Mandalay, 100.000 dân tham gia biểu tình, trong đó có các hòa thượng Phật giáo và 50.000 người biểu tình ở Sittwe.[32] Các cuộc tuần hành lớn cũng diễn ra từ Taunggyi và Moulmein đến các bang dân tộc thiểu số xa xôi (đặc biệt là nơi từng diễn ra các chiến dịch quân sự),[47] với màu đỏ trên băng rôn là biểu tượng của dân chủ.[32] Hai ngày sau đó, các bác sĩ, hòa thượng, nhạc sĩ, diễn viên, luật sư, cựu chiến binh quân đội và công nhân viên chính phủ tham gia các cuộc biểu tình.[48] Việc này khiến các ủy ban khó kiểm soát được tình hình. Trong thời gian này, những người tuần hành ngày càng trở nên cảnh giác với những người "có dấu hiệu đáng ngờ" và các sĩ quan cảnh sát và quân đội. Một ủy ban địa phương từng chặt đầu nhầm một cặp đôi do nghi ngờ họ mang theo một quả bom.[49] Các sự cố tương tự không xảy ra phổ biến ở Mandalay, tại đây các cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa hơn do được các hòa thượng và các luật sư lãnh đạo.[49]

Ngày 26 tháng 8, Aung San Suu Kyi, người theo dõi các cuộc biểu tình khi trở về Miến Điện để chăm sóc cho mẹ,[50] tham gia chính trường bằng buổi diễn thuyết trước nửa triệu người ở chùa Shwedagon.[48] Từ thời điểm này bà đã trở thành một biểu tượng cho cuộc đấu tranh dân chủ ở Miến Điện, đặc biệt là trong cách nhìn của phương Tây.[51] Suu Kyi là con gái của lãnh đạo độc lập Aung San, bà xuất hiện để sẵn sàng lãnh đạo phong trào dân chủ[52]. Bà kêu gọi dân chúng không chống lại quân đội mà tìm hòa bình thông qua các phương tiện đấu tranh bất bạo động.[53]

Vào khoảng thời gian này, cựu Thủ tướng U Nu và Chuẩn tướng nghỉ hưu Aung Gyi đồng thời nổi lên trên chính trường trong vai trò một "mùa hè dân chủ" khi nhiều nhà lãnh đạo dân chủ cũ quay trở lại chính trường.[30] Bất chấp những thành tựu đạt được của phong trào dân chủ, Ne Win vẫn nắm quyền trong hậu trường.

Tháng 9

Tháng 9 năm đó, 90% đại biểu quốc hội (968 trong số 1080) đã bỏ phiếu ủng hộ một chính phủ đa đảng.[48] Đảng Kế hoạch Xã hội chủ nghĩa Miến Điện tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử, nhưng các đảng đối lập kêu gọi chính phủ lập tức từ chức và cho phép một chính phủ lâm thời tổ chức các cuộc bầu cử. Sau khi Đảng Kế hoạch Xã hội chủ nghĩa Miến Điện từ chối cả hai yêu sách này, người biểu tình lại đổ xuống đường vào ngày 12 tháng 9 năm 1988.[48] U Nu hứa sẽ tổ chức bầu cử trong vòng một tháng và công bố thành lập một chính phủ lâm thời. Cảnh sát và quân đội bắt đầu trở nên thân thiện với những người biểu tình.[54] Phong trào lâm vào bế tắc do dựa vào ba hy vọng: các cuộc biểu tình hàng ngày để buộc chế độ phải đáp ứng nhu cầu của họ, khuyến khích binh sĩ đào ngũ và thu hút sự chú ý của quốc tế với hy vọng rằng quân đội Liên Hiệp Quốc hay Hoa Kỳ sẽ đến.[55] Chỉ một lượng hạn chế binh sĩ đã đào ngũ, chủ yếu là hải quân[56] Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Stephen Solarz là người có kinh nghiệm với các cuộc biểu tình dân chủ gần đây tại Philippines và Hàn Quốc đã tới Miến Điện vào tháng 9 khuyến khích chính phủ tiến hành cải cách, lặp lại các chính sách của chính phủ Hoa Kỳ đối với Miến Điện.[57]

Vào giữa tháng 9, các cuộc biểu tình ngày càng khốc liệt và hỗn loạn hơn, và các binh sĩ cố tình dẫn người biểu tình vào cuộc chạm trán mà họ dễ dàng giành chiến thắng.[58] Những người biểu tình đòi thay đổi nhanh chóng hơn, và không tin tưởng các bước cải cách dần dần.[59]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cuộc_nổi_dậy_8888 http://news.google.com/newspapers?id=Av4JAAAAIBAJ&... http://www.iht.com/articles/reuters/2008/08/08/asi... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=940... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=940... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=940... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=940... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=940... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=940... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=940... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9...